Hầu hết các nhà máy nhiệt điện sử dụng than tại Australia đang hoạt động dưới công suất thiết kế và có nguy cơ sẽ phái đóng cửa do nhu cầu năng lượng giảm mạnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 kết hợp với nguồn cung điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng.
Nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh và giá bán điện trượt dài đã dẫn đến việc hầu hết các nhà máy điện than của Australia đang phải hoạt động cầm chừng để cắt giảm thua lỗ trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do rất nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh đã phải ngừng hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát kết hợp với nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình cũng giảm do năm vừa qua Australia có một mùa Hè mát mẻ hơn bình thường.
Số liệu được ghi nhận tại bang Victoria cho thấy giá bán điện đã giảm 70% trong khi đó giá điện tại bang New South Wales cũng giá đã giảm hơn một nửa.
Bên cạnh nguyên nhân nhu cầu tiêu thụ giảm, còn có một lý do quan trọng khác khiến các nhà máy điện than gặp khó khăn trong kinh doanh đó là Australia đang đẩy mạnh phát triển các nhà máy điện mặt trời, điện gió cùng với việc người dân đang có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các tấm pin mặt trời trên mái nhà.
Than và khí đốt hiện vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chủ đạo của Australia, chiếm hơn 75% nhu cầu trên toàn lưới điện. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển và nhu cầu sử dụng điện tái tạo ngày càng tăng như hiện nay, điện năng từ các nguồn bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời và thủy điện sẽ sớm tăng lên hơn 30% trên tổng nhu cầu năng lượng.
Australia hiện được đánh giá là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo. Bắt đầu từ năm 2020, lãnh thổ thủ đô Canberra của nước này đã chuyển sang sử dụng 100% điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo. Trong khi đó, chính quyền một số bang khác đang phấn đấu để các công sở sẽ ngừng sử dụng điện được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.