Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ: Có thể phải nâng lãi suất để ngăn kinh tế tăng nóng

0
3

Bà Yellen nói rằng lãi suất đồng USD có thể phải tăng để kiểm soát đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 4/5 nói rằng lãi suất đồng USD có thể phải tăng để kiểm soát đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế – một kết quả của hàng nghìn tỷ USD mà Chính phủ nước này đã bơm ra để kích cầu.

“Có thể lãi suất sẽ phải tăng lên ở một mức độ nào đó để đảm bảo rằng nền kinh tế của chúng ta không trở nên quá nóng”, bà Yellen phát biểu tại một diễn đàn kinh tế trực tuyến do The Atlantic tổ chức. “Mức chi tiêu thêm là tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế, nhưng có thể dẫn tới lãi suất phải tăng một chút”.

“Dù sao, đây là những khoản đầu tư mà nền kinh tế của chúng ta cần để trở nên cạnh tranh và hiệu quả. Tôi nghĩ nền kinh tế Mỹ nhờ đó sẽ tăng trưởng nhanh hơn”, bà Yellen nhận xét về những gói kích cầu mà Chính phủ Mỹ đã triển khai.

Nhận định này của bà Yellen được xem là một nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên giao dịch ngày 4/5.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ gần nhất diễn ra vào cuối tháng 4, Fed tiếp tục cam kết duy trì nới lỏng cho tới khi nền kinh tế “đạt được thêm bước tiến quan trọng” hướng tới việc làm đầy đủ và bao trùm, và tỷ lệ lạm phát bình quân khoảng 2% trong dài hạn.

Sau đó cùng ngày, bà Yellen có thêm những phát biểu mang tính trấn an, rằng bà tôn trọng sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) – cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ – và không hề tìm cách gây ảnh hưởng đến các quyết sách của Fed. Trước khi trở thành người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, bà Yellen từng giữ cương vị Chủ tịch Fed từ năm 2014-2018.

“Đó không phải là việc mà tôi đoán trước hay đề xuất”, bà Yellen nói tại sự kiện CEO Council Summit do tờ Wall Street Journal tổ chức. “Nếu có một ai đó đánh giá cao sự độc lập của Fed, tôi cho rằng người đó chính là tôi, và tôi xin nhấn mạnh rằng Fed có thể làm bất kỳ việc gì cần thiết để hoàn thành mục tiêu được giao phó”.

Đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ đang được duy trì, với mức tăng trưởng 6,4% ghi nhận trong quý 1 năm nay. Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 10,5% trong quý 2.

Từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3/2020 đến nay, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn khoảng 5,3 nghìn tỷ USD tiền kích cầu để bơm vào nền kinh tế, dẫn tới thâm hụt ngân sách 3 nghìn tỷ USD trong tài khoá 2020 và 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu của tài khoá 2021.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đề xuất thêm hai gói chi tiêu với tổng trị giá 4 nghìn tỷ USD cho các mục tiêu dài hạn về đầu tư cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ các hộ gia đình, phát triển giáo dục…

Đến nay, Fed đã giữ lãi suất ở khoảng 0-0,25% trong hơn 1 năm, cho dù kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ gần nhất diễn ra vào cuối tháng 4, Fed tiếp tục cam kết duy trì nới lỏng cho tới khi nền kinh tế “đạt được thêm bước tiến quan trọng” hướng tới việc làm đầy đủ và bao trùm, và tỷ lệ lạm phát bình quân khoảng 2% trong dài hạn.

Lạm phát đang có chiều hướng tăng ở Mỹ do lượng tiền lớn bơm vào nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng giới chức Fed cho rằng sau một đợt tăng chóng vánh trong năm nay, áp lực giá cả có thể sẽ dịu đi.

Bà Yellen nói bà không lo ngại nhiều về lạm phát, và nói thêm rằng nhà chức trách có công cụ để xử lý nếu lạm phát thực sự trở thành một vấn đề. Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cũng nói công cụ chính để kiểm soát lạm phát là thông qua nâng lãi suất.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói Tổng thống Biden “chắc chắn đồng ý với Bộ trưởng Bộ Tài chính” về khả năng cần phải nâng lãi suất.

Khi nói về thâm hụt tài khoá khổng lồ hiện nay của Chính phủ liên bang, bà Yellen nói “chúng ta cần phải trả cho những việc mà mình đang làm” nhưng Chính phủ vẫn có “một không gian tài khoá đáng kể” để xoay sở.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here