Home Blog Page 10

Kinh Doanh Bất Động Sản Mỹ

0

Đầu tư vào địa ốc, bất động sản mỹ (Real Estate) là một trong những công việc làm ăn có thể giúp bạn tạo được nguồn thu nhập thụ động (Passive Income).

Bằng cách cho mướn nhà hàng tháng cũng như kiếm lợi nhuận bằng việc lên giá của bất động sản (Appreciation/Capital Gain).

Bên cạnh đó đầu tư vào bất động sản mỹ cũng có thể giúp bạn miễn giảm thuế (Tax Reduction) bằng việc đầu tư qua việc thành lập (khá dễ dàng) một công ty (Corporation).

Bạn cũng có thể khấu trừ các chi phí cho việc đầu tư như nghiên cứu, văn phòng tại nhà, mua xe, mua các vật dụng trong nhà, đi du lịch kèm công tác và nhiều chi phí khác nữa.

Để có thể thành công trong đầu tư địa ốc đòi hỏi bạn phải tìm hiểu các vấn đề sau.

  • Kế hoạch đầu tư.
  • Xây dựng một đội ngũ tư vấn.
  • Thực hiện kế hoạch.

Lợi nhuận của việc đầu tư vào địa ốc và quá trình tích lũy sự giàu có có thể chậm hơn các tài sản khác như: mở một cơ sở làm ăn như nhà hàng, làm nails, mở tiệm nails , đầu tư vào chứng khoán nhưng lại khá chắc.

Ví dụ như nếu bạn ở California là một tiểu bang mà bạn cho thuê nhà hơi bị đắt và giá thuê nhà thuộc hằng đắt đỏ. Bạn hoàn toàn có thể lấy lại vốn và có lợi nhuận lớn nếu như mua nhà lúc giá trị thấp và bán lúc giá trị cao.

bất động sản mỹ
Hãy có mối quan hệ tốt với các ngân hàng để có thể vay vốn đầu tư bất động sản ở mỹ

Đầu tư vào địa ốc không cần một số vốn lớn như nhiều người tưởng. Và nó sẽ giúp bạn có được sự tự do trong tài chính (financial freedom) bằng cách có thu nhập bị động từ tiền cho thuê nhà hàng tháng dù bạn không đi làm.

Khi đầu tư vào địa ốc thì bạn phải có một số tiền dành dụm khoảng 20%(hoặc 10%) giá trị của địa ốc để trả tiền cọc (Down Payment). Ví dụ như bạn tính mua một căn nhà ở Houston, Texas.

Thì giá nhà trung bình cho một căn 3 phòng ngủ là khoảng $140k thì bạn chỉ cần tiết kiệm $28k cho tiền cọc và sau đó thì mượn tiền ngân hàng để trả phần còn lại.

Điều kiện để mượn tiền ngân hàng là bạn phải có nguồn thu nhập khá và điểm tín dụng tốt.

Bạn cho thuê căn nhà này với giá trung bình là $1700 và trả cho ngân hàng $1000 mỗi tháng, tính ra bạn vẫn còn dư $700 mỗi tháng mặc dù bạn chỉ đầu tư $28k tiền vốn.

Việc mượn tiền của ngân hàng là một ví dụ của dùng đòn bẩy (leverage) để mua nhà đầu tư và sử dụng tiền của người khác gởi tại nhà băng để làm việc cho bạn.

Sau đó bạn cho người khác thuê căn nhà mà bạn mua để đầu tư và có tiền thuê nhà hàng tháng để trả tiền (mortgage) cho ngân hàng mà vẫn có lợi nhuận.

Bên cạnh đó việc mượn tiền để mua nhà cho thuê là một ví dụ của nợ tốt (good debt). Có nghĩa là bạn mượn tiền để tiền làm việc cho bạn tạo nguồn thu nhập bị động.

Một số ví dụ của nợ xấu (bad debt) như bạn mượn tiền thẻ tín dụng (credit card) để mua các hàng xa xỉ phẩm hoặc mượn nợ để mua nhà quá lớn để ở trong khi bạn chỉ cần một căn nhà nhỏ.

Hoặc mượn nợ để mua xe đẹp trong khi chỉ cần một chiếc xe tốt.

Việc đầu tư vào địa ốc (nếu như bạn tính đầu tư lâu dài, làm lớn) đòi hỏi bạn phải có một đội ngũ hỗ trợ bạn như: luật sư (Lawyer), kế toán (Accountant), nhà môi giới địa ốc (Real Estate Broker), nhà cho vay (Loan Broker), và chuyên viên kiểm tra nhà.

Nhiều người thường nghĩ là việc có một đội ngũ như trên là không quan trọng là hoàn toàn sai. Sự thành công của bạn trong lĩnh vực đầu tư địa ốc có đến 90% là nằm trong tay đội ngũ này tại vì:

  • Họ sẽ giúp bạn kiếm một địa ốc tốt dưới giá trị.
  • Họ sẽ giúp bạn các vấn đề về pháp lý, kiện tụng, tranh chấp.
  • Họ sẽ quyết định bạn có vay được tiền để đầu tư.
  • Họ sẽ giúp bạn kiểm tra căn nhà, địa ốc để tránh bị mua những lầm.

Bạn không thể nào làm hết các công việc trên vì cơ bản là không có đủ thời gian và không hiệu quả.

Cho nên bạn cần phải coi họ như là những người bạn tốt và trả cho họ một mức phí xứng đáng vì họ rất biết giá trị của công việc mình đang làm chứ không phải tìm cách tiết kiệm tiền phí (fees).

Vì họ có làm ra tiền thì bạn mới làm ra tiền được. Khi bạn trả cho họ một mức phí xứng đáng với công sức họ bỏ ra thì bạn sẽ là người họ gọi đầu tiên nếu có một cơ hội (good deal) làm giàu trong địa ốc.

Tại Sao Kinh Doanh Tại Mỹ Lại Dễ Dàng Thành Công?

0

Mỹ là quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới, đồng thời cũng là đất nước có nền kinh tế với mũi nhọn xuất khẩu hàng đầu thế giới…

Qua bài viết này, tôi xin trình bày một số nét ưu việt của Mỹ, khiến quốc gia này trở thành vùng đất thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi có nền kinh tế với mũi nhọn xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Mỹ hoàn toàn có khả năng tự cung tự cấp nhưng họ vẫn mở rộng cửa giao thương với thế giới. Vậy tại sao kinh doanh trên đất Mỹ lại dễ dàng thành công?

Sự công bằng trong hệ thống pháp luật

Đây được xem là điểm mạnh của Mỹ so với nhiều đất nước khác. Kể từ khi thành lập, Mỹ đã có vai trò độc đáo và uy tín giữa các quốc gia. Họ là đất nước đầu tiên được sáng lập dựa trên nguyên tắc tự trị hạn chế.

Bác bỏ chế độ quân chủ, những người sáng lập đã tạo ra một chính phủ liên bang với 3 chi nhánh riêng biệt: hành pháp, lập pháp, tư pháp. Mỗi chi nhánh trong khi thực hiện chức năng được giao vẫn chịu sự kiểm tra, giám sát của hai chi nhánh còn lại

Các công ty đều được đối xử bình đẳng tại Hoa Kỳ và phải tuân theo cùng một nền luật pháp, quy tắc và các thủ tục để triển khai việc kinh doanh. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi từ một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và không phân biệt đối xử.

Tại Mỹ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tự do chuyển nhượng vốn, lợi nhuận, cơ sở hạ tầng vật chất, tài chính tiên tiến và truy đòi hợp pháp… không phân biệt đối xử trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến đầu tư.

Ngoài ra, họ không có cơ quan kiểm tra bắt buộc để xem xét và phê duyệt đầu tư nước ngoài. Không giống như các nước khác, Mỹ cũng không có quy định “đầu tư tối thiểu cần thiết” hoặc những quy tắc khác.

Sự ổn định của hệ thống chính trị

Mỹ có hệ thống chính trị ổn định và pháp lý mạnh mẽ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia kinh doanh quốc tế tại đây.

Là một nước cộng hoà liên bang, Mỹ thực hiện chế độ chính trị tam quyền phân lập. Hiến pháp Mỹ quy định quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Tổng thống và quyền tư pháp thuộc về Toà án tối cao. Mỗi bang có hệ thống hiến pháp và pháp luật riêng nhưng không được trái với Hiến pháp của Liên bang.

Hệ thống chính trị Mỹ được xây dựng dựa trên kiểm tra và cân bằng để đảm bảo rằng không ai có quá nhiều quyền lực, do đó đảm bảo hòa bình, chính phủ ổn định. Họ được hưởng gần 150 năm ổn định chính trị kể từ khi kết thúc nội chiến.

tai-sao-kinh-doanh-tai-my-lai-de-dang-thanh-cong
Kinh doanh ở Mỹ dễ dàng thành công hơn ở các nước khác.

Thủ tục đăng ký và thành lập công ty đơn giản, chi phí thấp và nhanh chóng

Các công ty nước ngoài có thể thành lập nhiều loại hình công ty như chi nhánh, công ty con của công ty nước ngoài, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty liên doanh TNHH… tuỳ theo luật mỗi bang cho phép và tuỳ theo loại hình kinh doanh.

Tuy nhiên, thông thường người ta chọn công ty cổ phần TNHH, cơ cấu tổ chức ổn định tương đối lâu dài và có khả năng hùn vốn bằng cách bán cổ phiếu và trái phiếu. Hầu hết các công ty của Mỹ đều mang danh viết tắt Corp. (công ty cổ phần) hay Inc. (trách nhiệm hữu hạn) như một phần của tên giao dịch.

Hợp đồng lao động linh hoạt

Hợp đồng lao động thể hiện ý chí tự do của hai bên: Bên sử dụng lao động và bên lao động, giúp cả hai đều công bằng trước pháp luật. Sức lao động cũng là một loại hàng hóa thuận mua vừa bán. Pháp luật bảo vệ sự thỏa thuận ban đầu của đôi bên. Do đó, doanh nghiệp được tự do tuyển dụng nhân sự vừa ý mình.

Dạng thứ nhất là “At-Will”: tức là hợp động lao động tự nguyện giữa hai bên và đây được xem là dạng hợp đồng chính được sử dụng tại Mỹ cho đa số các công ty và hãng, xưởng. Dạng “At-Will” này cho phép người chủ cho công nhân nghỉ việc hay khai trừ nhân viên không cần lý do.

Dạng hợp đồng thứ hai “Just-Cause”: thì chỉ cho phép người chủ sa thải nhân viên nếu có lý do chính đáng. Loại hợp đồng này thường thấy ở những công ty lớn và lâu đời tại Mỹ, hoặc cũng có thể thấy trong những hợp đồng lao động do công đoàn đại diện ký. Khi bạn ký hợp đồng lao động với công đoàn, người chủ hay quản lý công ty hoàn toàn không thể sa thải nhân viên nếu không có lý do chính đáng.

Ngoài hai dạng hợp đồng trên thì những dạng lao động khác là lao động theo hợp đồng được thỏa thuận trước giữa hai bên cung cấp dich vụ và bên nhận dịch vụ. Những dạng này không được coi là hợp đồng thuê mướn, mà chỉ là dịch vụ dành cho các người làm independent contractor (cung cấp dịch vụ độc lập).

Quy hoạch kinh doanh khoa học

Tùy theo ngành nghề mà cơ quan chức năng Mỹ sẽ quyết định số lượng giấy phép kinh doanh được cấp theo từng khu vực. Việc này nhằm đảm bảo sự an toàn trong đầu tư kinh doanh, tránh sự cạnh tranh không cần thiết khi có quá nhiều địa điểm kinh doanh cùng ngành nghề ở một vị trí địa lý, làm giảm lợi nhuận chung của ngành.

Sở hữu trí tuệ

Mỹ là quốc gia nổi tiếng thế giới về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả. Sự hiệu quả của cơ quan hành pháp giúp Mỹ luôn có những phát minh tiên tiến, có tầm ảnh hưởng với sự phát triển của nhân loại, tạo ra sự giàu có thịnh vượng cho nền kinh tế.

Quản lý nhân thân của người dân

Chính phủ Mỹ quản lý người dân bằng cách cấp cho mỗi người một số an sinh xã hội, đồng thời, số an sinh xã hội này sẽ được quản lý trên hệ thống máy tính quốc gia. Do đó, ở Mỹ không có chuyện quản lý người dân bằng hộ khẩu.

Người dân có quyền sinh sống ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Khi có việc liên quan đến luật pháp, y tế, kinh doanh… họ chỉ cần xuất trình số an sinh xã hội thì mọi thông tin đều hiện ra rạch ròi và chính xác, vì thế, ít có chuyện lừa đảo xảy ra ở Mỹ.

Vì những lý do trên, kinh doanh ở Mỹ dễ thành công là như vậy.

Elon Musk Gây Sốc Khi Tuyên Bố Tesla Ngừng Nhận Thanh Toán Bằng Bitcoin Khiến Giá Bitcoin Rớt Thảm

0

Tỷ phú Elon Musk vừa thông báo Tesla chính thức ngừng nhận thanh toán bằng Bitcoin, vì lo ngại việc khai thác Bitcoin đang gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Màn lật kèo này đã khiến giá đồng tiền Bitcoin bị lao dốc ngay trong những phút đầu tiên.

Elon Musk gây sốc khi tuyên bố Tesla ngừng nhận thanh toán bằng Bitcoin khiến giá Bitcoin rớt thảm
Ảnh minh họa – Nguồn: Fox Business.

Ngày 12 tháng 5, tỷ phú Elon Musk đã thông báo trên Twitter:

Tesla chính thức ngừng nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Giá Bitcoin lập tức giảm 5% vài phút sau thông báo của CEO Tesla. Cổ phiếu của hãng cũng bị giảm 4,42% giá trị. Đến thời điểm hiện tại, Bitcoin tiếp tục giảm tới 12%, được giao dịch dưới ngưỡng $50,000.

Tỷ phú Elon Musk cho biết, nguyên nhân công ty đưa ra quyết định trên là vì quan ngại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác bitcoin đang gia tăng.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge (Anh), quá trình đào bitcoin trong năm 2021 có thể đã tiêu hao khoảng 128 tỷ kWhm năng lượng, chiếm 0,6% tổng lượng điện sản xuất của thế giới và cao hơn mức dùng điện ở Na Uy.

Thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư chính thống và một số doanh nghiệp như Tesla, Square, Metromile và Nexon đã đầu tư vào bitcoin. Bởi họ coi bitcoin là công cụ chống lạm phát tiềm năng trong lúc các ngân hàng trung ương liên tục in tiền để hỗ trợ việc khôi phục nền kinh tế bị khủng hoảng vì Covid-19.

Mặc dù Tesla ngừng nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin, nhưng Elon Musk cũng nói rõ:

Tesla vẫn giữ chứ không bán số Bitcoin mà công ty đang sở hữu, đồng thời công ty sẽ xem xét các loại tiền mã hóa khác tiêu tốn ít năng lượng trong giao dịch hơn.

Tổng thống Biden siết chặt hơn “danh sách đen” công ty Trung Quốc?

0

Nguồn tin của hãng tin Bloomberg cho biết theo lệnh sửa đổi của Tổng thống Biden, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm lập danh sách các công ty có thể phải đối mặt với các hình phạt tài chính vì liên quan đến lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng của Trung Quốc.

Đến nay, các biện pháp trừng phạt tài chính và lựa chọn các công ty mục tiêu được gắn với danh sách đen của Bộ Quốc phòng. Hiện có ít nhất 31 công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen, trong đó có tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei và hãng sản xuất điện thoại di động Xiaomi.

Sắc lệnh sửa đổi sẽ thay đổi tiêu chí đối với các thực thể trong danh sách đen. Trong chính sách của ông Trump trước đây, mục tiêu là các công ty thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc liên kết với quân đội Trung Quốc. Bộ Tài chính sẽ tham khảo ý kiến của Bộ Quốc phòng trong quá trình công bố các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Chính quyền ông Biden cho biết việc sửa đổi chính sách là cần thiết để đảm bảo tính pháp lý và bền vững trong dài hạn. Một nguồn tin cho rằng bằng cách chuyển giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính, chính quyền ông Biden củng cố vị thế pháp lý cho các hình phạt. Ông Biden dự kiến sẽ ký sắc lệnh sửa đổi vào cuối tuần này.

Việc xem xét lại lệnh cấm cấm đầu tư vào các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ vì nhiều nghị sĩ Mỹ mong muốn có một lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Thượng nghị bang Arkansas Tom Cotton hôm 2-6 cho biết: “Chính phủ Mỹ bắt buộc phải tiếp tục mở rộng danh sách các công ty liên quan đến quân độiTrung Quốc. Những công ty này không được tiếp cận với công nghệ và thị trường vốn của Mỹ”.

Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trong tuần này, nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng – bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa), Thượng nghị sĩ Mark Kelly (đảng Dân chủ) và Hạ nghị sĩ Liz Cheney (Cộng hòa) – yêu cầu công bố danh sách mới các công ty được cho là có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Trong thư có đoạn: “Mỹ phải tiếp tục mạnh tay trong việc ngăn chặn sự xâm hại kinh tế của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp. Chúng ta không được để Trung Quốc làm xói mòn ưu thế quân sự của Mỹ”.

Lo Sợ “Bão” Trừng Phạt Từ Các Nước, Trung Quốc “Vội Vàng” Thông Qua Dự Luật Chống Lệnh Trừng Phạt

0

Bắc Kinh thông qua dự luật chống lệnh trừng phạt của nước ngoài sau khi các công ty, quan chức Trung Quốc bị nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ trừng phạt, cấm vận.

Lo sợ Ảnh minh họa – Nguồn: Bloomberg.

Trước tình hình đại dịch và những xích mích về vấn đề thương mại, chủ quyền, trung quốc lo sợ tương lai sẽ hứng chịu các cơn bão trừng phạt từ các nước. Theo đó, vào ngày 10 tháng 6, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự luật Chống lệnh trừng phạt nước ngoài nhằm giúp cho Bắc Kinh có biện pháp đáp trả các chế tài cấm vận của quốc gia khác.

Trước đó vào ngầy 7 tháng 6, dự luật này đã được đệ trình và các nhà lập pháp Trung Quốc đã “vội vàng” thông qua nó chỉ sau hai phiên thảo luận thay vì ba phiên thảo luận như các dự luật khác.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân cho biết rằng dự luật này cho thấy ưu tiên bảo vệ lợi ích và chủ quyền của Trung Quốc, nhưng cũng không muốn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với các quốc gia khác.

Mặc dù không rõ nội dung của dự luật này, nhưng đây được coi là “vũ khí” mạnh nhất của Bắc Kinh để đáp trả lại hành động trừng phạt, cấm vận của quốc gia khác sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu các công ty của họ ghi nhận lại những hạn chế, khó khăn khi hoạt động ở nước ngoài.

Cách đây không lâu, các quan chức Trung Quốc cũng đã đề xuất quy định cho phép các công ty của họ đòi bồi thường tổn thất do các lệnh trừng phạt của nước ngoài gây ra.

Tại sao châu Âu không tỏ ý sẵn sàng hoàn toàn ủng hộ chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ?

0

Trung Quốc như dự kiến sẽ là chủ đề xuyên suốt các cuộc họp trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ. Các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn dự đoán Joe Biden khó có thể giành được sự ủng hộ hoàn toàn cho chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Ngoại giao vắc xin, thương mại, khí hậu và việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển là các nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của hội nghị G7 lần này. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không được nhắc đến, nhưng, “Sáng kiến Xanh Sạch” của nhóm G7 về  phát triển bền vững và chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển được nhiều nhà quan sát coi là một giải pháp thay thế cho dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Trong khi đó, cường độ cạnh tranh giữa dự án toàn cầu của Trung Quốc và dự án xanh của G7 có thể được đánh giá bởi sự sẵn lòng của các đối tác trong nhóm này, cũng như Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc mà Vương quốc Anh đã mời tới hội nghị thượng đỉnh, để hỗ trợ tài chính cho sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng. Ít có khả năng đạt được mục tiêu này trong hội nghị thượng đỉnh.

Mục đích của chuyến công du

Khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với châu Âu là một trong những mục tiêu chính trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Biden. Đồng thời, mục tiêu của Biden khôi phục vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ có thể trở thành một thách thức không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn có thể không đạt được sự đồng thuận ở chính châu Âu, vì không ai hủy bỏ “quyền tự chủ chiến lược” của EU.

Trả lời phỏng vấn của Đài Sputnik, ông Yuri Rubinsky – người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Pháp tại Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận xét rằng, nỗ lực của Tổng thống Mỹ thúc giục nhóm G7 gia tăng áp lực đối với Trung Quốc trước “mối đe dọa” được cho là ngày càng gia tăng từ phía Bắc Kinh cũng có thể gặp khó khăn.

Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington, năm 2015.
© AP PHOTO / CAROLYN KASTER Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington, năm 2015.

“Cả hai bên đều đang tìm kiếm một nền tảng cho sự đồng thuận. Tất nhiên, người châu Âu cố gắng duy trì một số mối lợi từ thương mại với Trung Quốc. Hơn nữa, họ chưa tham gia đầy đủ vào cuộc đối đầu với Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một thỏa hiệp xuyên Đại Tây Dương đã được công bố. Với thỏa hiệp này, Biden đã đến Nhà Trắng, và ông sẽ đạt được một thỏa hiệp trong chuyến công du châu Âu. Có sự phối hợp nhất định về chính sách đối với Trung Quốc giữa EU và Mỹ, nhưng không phải 100%. Bởi vì châu Âu muốn duy trì lợi ích chiến lược của họ, trong đó bao gồm việc xây dựng quan hệ bình đẳng và thực dụng với Trung Quốc và tích cực phát triển quan hệ kinh tế song phương”.

Chuyên gia Yuri Rubinsky nhấn mạnh rằng, Biden cũng khó có thể áp đặt với các đối tác châu Âu chương trình nghị sự nội bộ nước Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan:

“Trong vấn đề này, Biden sẽ không thành công. Đài Loan không chỉ là “khúc xương trong cổ” mối tương quan giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn là vấn đề nguyên tắc đối với Trung Quốc. Vì lý do này, người châu Âu có xu hướng hành xử khá cẩn thận trong vấn đề Đài Loan. Họ cố gắng tránh làm điều mà Trung Quốc coi là vượt qua lằn ranh đỏ trong vấn đề Đài Loan”.

Biden tìm cách củng cố lại mối quan hệ với châu Âu vốn bị suy yếu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump phần nào do những lời lẽ hùng hồn chống Trung Quốc. Về phần mình, người châu Âu hy vọng vào việc chấm dứt cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ sau chuyến công du của Biden. Mức độ mà người châu Âu ủng hộ chiến lược chống Trung Quốc của Biden sẽ phụ thuộc vào cách giải quyết vấn đề này. Theo một số nhà phân tích, quyết định của Nghị viện châu Âu hoãn xem xét thỏa thuận đầu tư mới với Trung Quốc là một cử chỉ thể hiện lòng trung thành của EU với Hoa Kỳ.

Con cháu các hoàng gia trên thế giới kiếm tiền bằng cách nào?

0

Trong số hậu duệ của các hoàng gia khắp thế giới, không ít người phải chật vật mưu sinh bằng công việc tay chân, có người sống bằng số tiền cho thuê cung điện…

Con cháu của các hoàng tộc trên khắp thế giới có cuộc sống rất khác nhau. Một số hậu duệ vẫn sống trong những cung điện nguy nga, được hưởng của cải mà tổ tiên là những vị vua chúa để lại.

Tuy nhiên, cũng có những hậu duệ hoàng gia bị cuốn vào hiện thực khó khăn. Họ chật vật mưu sinh bằng các công việc từ lái taxi cho đến dọn dẹp chung cư.

Nhiều người lo ngại “gánh nặng” của danh phận, tước hiệu, song cũng có những dòng tộc đã hoàn toàn bị lãng quên sau nhiều thế kỷ.

Cho thuê cung điện

Maharaja Padmanabh Singh (sinh năm 1998) là hậu duệ thứ 303 của hoàng tộc ở thành phố Jaipur (Ấn Độ).

Hiện tại Ấn Độ không công nhận tước hiệu hoàng gia, nhưng hoàng tộc cũ ở đất nước này vẫn được người dân tôn kính. Dù không nắm thực quyền, Padmanabh Singh vẫn thường được dân chúng gọi là “vua”.

Theo Business Insider, Padmanabh Singh có thể nắm giữ đến hàng trăm triệu USD. Gia tộc Jaipur được biết đến với khối tài sản khổng lồ, ước tính từ 696,7 triệu USD đến 2,8 tỷ USD.

Maharaja Padmanabh Singh cho thuê cung điện City Palace từ năm 2019. (Ảnh: Instagram NV)

Năm 2019, Padmanabh Singh đã quyết định cho thuê một căn phòng trong cung điện City Palace của gia đình trên Airbnb với giá gần 8.000 USD/đêm.

City Palace (Jaipur, Ấn Độ) là cung điện hoàng gia được xây dựng vào năm 1727 bởi Jai Singh II, người đứng đầu hoàng gia tại thành phố Jaipur, Rajasthan (Ấn Độ).

Trước đây, cung điện này chỉ đón tiếp hoàng gia và các vị khách đặc biệt như cố Công nương Diana, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, MC Oprah Winfrey…

“Tôi hân hạnh khi gia đình mình đang hợp tác với Airbnb để giới thiệu sự tráng lệ của Rajasthan tới du khách. Tôi hy vọng có thể chia sẻ lòng hiếu khách của người dân Ấn Độ tới mọi người”, Padmanabh Singh nói.

Padmanabh Singh còn được biết đến với vai trò người mẫu từ năm 2018. Anh từng xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí thời trang danh tiếng và là hậu duệ hoàng gia đầu tiên góp mặt trong buổi trình diễn của Dolce & Gabbana tại Milan năm 2018.

Lái taxi, dọn dẹp chung cư

Tengku Indra (67 tuổi) là một trong số những người Singapore còn mang tên chứa kính ngữ Tengku, nghĩa là hoàng tử hoặc công chúa trong tiếng Malaysia.

Anh là hậu duệ của vị vua từ thế kỷ 19 – Sultan Hussein Shah – người đã nhường quyền kiểm soát đảo quốc sư tử cho người Anh.

Hậu duệ hoàng gia Singapore đang cầu nguyện bên cạnh bia mộ của tổ tiên. (Ảnh: Reuters)

Ngày nay, không nhiều người còn biết đến sự tồn tại của dòng dõi Sultan. Cho đến đầu thế kỷ này, một số hậu duệ vẫn sống trong cung điện do tổ tiên để lại. Tuy nhiên không lâu sau đó, họ đã dọn đi khi chính phủ Singapore biến cung điện thành viện bảo tàng.

“Không quan trọng bạn có phải là con cháu hoàng tộc hay không, mà là bạn phải sống cuộc sống của mình, dựa vào tài năng và đức độ thay vì hưởng một danh xưng do tổ tiên để lại”, Indra nói.

Tengku Faizal (43 tuổi) cho biết sau khi rời khỏi cung điện vào năm 1999, ông đã nhận công việc dọn dẹp ở một chung cư và bị trêu chọc là “hoàng tử xử lý rác”.

Hiện tại, ông làm công việc lái taxi và phải vật lộn để kiếm sống, dù đã được hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí chăm sóc con gái. Để giúp đỡ, vợ ông đã nhận một công việc bán thời gian trong một cửa hàng McDonald’s.

“Chúng tôi không thông minh, cũng chẳng giàu có. Chúng tôi chỉ có tước hiệu thôi”, Faizal cho biết.

Kinh doanh, đầu tư công nghệ

Andrew Lee, vốn là một cư dân bang Indiana, Mỹ. Năm 2013, cuộc sống của Lee bỗng thay đổi hoàn toàn khi anh phát hiện mình có quan hệ họ hàng với Yi Seok, một hậu duệ hoàng gia của triều đại Joseon – chế độ quân chủ cuối cùng cai trị bán đảo Triều Tiên trong suốt hơn 5 thế kỷ từ năm 1392 đến năm 1897.

Trước khi được sắc phong thái tử vào năm 2018, Lee đã có cuộc sống giàu sang nhờ thành công trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ và đầu tư.

Tài sản ròng của Lee không được tiết lộ, nhưng vào cuối năm 2019, một công ty an ninh mạng của Israel đã mua lại công ty của anh, Private Internet Access, với giá 95,5 triệu USD.

Cuộc đời của Thái tử Hàn Quốc Andrew Lee được ví như một bộ phim truyền hình. (Ảnh: London Trust Media)

Theo Sputnik News vào năm 2018, Lee dự định mở một trường dạy lập trình miễn phí cho người Hàn và khởi động quỹ khởi nghiệp trị giá 100 triệu USD.

Lee cũng cho biết anh sẽ đóng góp 10 triệu USD cho quỹ và hy vọng tìm được “những nhà đầu tư có cùng chí hướng”, những người sẽ góp vốn để nâng số tiền trong quỹ lên 100 triệu USD.

Cuối năm 2020, Los Angeles Times đưa tin thái tử Hàn Quốc đã chi 12,6 triệu USD cho một khu đất rộng hơn 8 ha tại Thung lũng Hidden, thành phố Thousand Oaks, bang California, Mỹ.

Trung tâm của khu đất là một biệt thự kiểu Pháp rộng khoảng 1.300 m2, gồm 7 phòng ngủ, 13 phòng tắm. Không gian sống không khác gì cung điện khi được trang hoàng bằng đồ nội thất đặt làm riêng, đèn chùm và rèm cửa sang trọng.

Viện lý do an ninh để trừng phạt Trung Quốc : Liệu Mỹ có “run tay”?

0

Hạ Viện Mỹ chỉ trích bộ Thương Mại « nhẹ tay » trừng phạt Trung Quốc : nhiều công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ vẫn lọt vào tay quân đội Trung Quốc. Washington liệu có những công cụ hiệu quả để ngăn chận Trung Quốc « đánh cắp công nghệ cao của Mỹ » hay không ?

Trung Quốc cảnh báo công dân cẩn trọng khi tới Mỹ - VTV
Ảnh minh họa : Quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: VTV)

Trong thông cáo ngày 01/06/2021, Ủy ban đặc trách về giám sát các hoạt động kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc thuộc Hạ Viện tố cáo bộ Thương Mại Hoa Kỳ « không làm tròn bổn phận » nhằm « bảo đảm an ninh quốc gia » và tránh để những công nghệ nhạy cảm của Mỹ rơi vào tay « quân đội Trung Quốc ».

Báo cáo của Ủy ban này mang tên « Unfinished Business : Export Control and Foreign Investment Reformes » chỉ trích bộ Thương Mại chậm trễ trong việc đề xuất một danh sách khoanh vùng những công nghệ được coi là « nhạy cảm ». Những lĩnh vực đó, một khi được quy định, bắt buộc phải được chính quyền Mỹ « xem xét » trước khi tiến hành mọi dự án trao đổi mậu dịch hay đầu tư giữa các công ty Hoa Kỳ với các đối tác Trung Quốc.

Ủy ban của Hạ Viện Mỹ căn cứ vào hai bộ luật cải tổ thương mại và đầu tư hiện hành từ 2018 nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh Hoa Kỳ đồng thời hạn chế các hoạt động chuyển giao công nghệ với các đối tác nước ngoài. Tên chính thức của hai văn bản liên quan là Export Control Reform Act (ECRA) và Foreign Investment Risk Review Modernization Act (FIRRMA). Cả hai theo đuổi cùng một mục tiêu, đó là siết chặt chính sách xuất khẩu và rà soát quy trình đầu tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, để ngăn chận nền kinh tế số 2 thế giới thâu tóm các công nghệ nhạy cảm của Mỹ nhất là để phục vụ những mục đích quân sự của quốc gia châu Á này.

Hạ Viện Mỹ một mặt khiển trách sự chậm trễ đến hơn hai năm của bộ Thương Mại, mặt khác nêu lên một loạt những câu hỏi như có nên cho mở điều tra về sự chậm trễ này ? Liệu khâu giám sát các hoạt động xuất khẩu của Mỹ có cần phải chuyển sang một cơ quan nào khác, không trực thuộc bộ Thương Mại Hoa Kỳ hay không ?

Theo giới quan sát, thực ra, đằng sau sự chậm trễ này là cả một danh sách dài nhiều thách thức về mặt công nghiệp, kinh tế và cả về chính trị đối với bản thân nước Mỹ. Hãng tin Anh Reuters nhắc lại : với luật Export Control Reform Act (ECRA) chẳng hạn, từ tháng 11/2018 các nhà sản xuất Mỹ bị cấm cung cấp cho một số tập đoàn Trung Quốc như Hoa Vi hay Hikvision.

Tập đoàn Trung Quốc này có trụ sở tại Hàng Châu, là một trong những nhà cung cấp lớn trên thế giới các trang thiết bị theo dõi qua video. Gần 1/3 doanh thu của tập đoàn trong năm 2018 có được là nhờ các hợp đồng làm ăn với nước ngoài. Năm 2017, đại tập đoàn này đã trúng thầu 5 hợp đồng trị giá 240 triệu đô la với các cơ quan đặc trách về an ninh tại tỉnh Tân Cương.

Ngoài ra, bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã công bố danh sách 45 lĩnh vực thuộc diện « công nghệ mới » như phần mềm cho phép nhận diện khuôn mặt, công nghệ trí thông minh nhân tạo hay những phát minh trong ngành « vũ khí sinh học »

Về mặt chính trị chẳng hạn, dưới hai chính quyền Trump và Biden, Hoa Kỳ đã đặc biệt quan tâm đến những hoạt động xuất nhập khẩu và các dự án đầu tư giữa các công ty quốc gia với Trung Quốc liên quan đến những phương tiện cho phép theo dõi các công dân. Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban thẩm định về kinh tế và an ninh Mỹ-Trung của Hạ Viện Hoa Kỳ nhìn nhận rằng bộ Thương Mại thường xuyên bị « trễ so với những phần mềm mới » được sử dụng trên thị trường.

Về thực chất kinh tế : đành rằng hai chính quyền Trump và Biden liên tiếp thông báo đưa các công ty Trung Quốc vào « danh sách đen » vì là những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng chỉ cần nhìn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đủ thấy mức độ lệ thuộc của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này lớn tới mức độ nào.

Một nghiên cứu gần đây của báo tài chính Nhật Bản cho thấy trong số 3.800 mặt hàng phổ biến nhất trong giao thương quốc tế, có tới 320 sản phẩm được làm ra từ Trung Quốc. Còn theo khảo sát do ngân hàng Hồng Kông HSBC thực hiện hồi tháng 11/2020, có tới 70 % các doanh nghiệp Mỹ vẫn dự trù duy trì hoặc mở rộng chuỗi cung ứng Trung Quốc từ nay đến 2025. Sau cùng theo nghiên cứu gần đây nhất của đại học Anh Oxford Economics, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, đặc biệt là mua hàng của Mỹ.

Trong những điều kiện đó liệu rằng chính quyền Biden có dễ dàng mạnh tay giới hạn các dịch vụ đầu tư và thương mại giữa các công ty Hoa Kỳ với Trung Quốc hay không ? Lời giải đáp cho câu hỏi này có thể giải thích phần nào sự chậm trễ của bên bộ Thương Mại Mỹ trong mục tiêu ngăn chận Trung Quốc thâu tóm công nghệ cao của Hoa Kỳ.

Âu- Mỹ: Những cái gai trong tuần trăng mật giữa chính quyền Biden với Liên Âu

0

Liên Âu chuẩn bị thượng đỉnh đầu tiên với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hồ hởi quá đáng khi lập lại khẩu hiệu của Nhà Trắng về « Sự trở lại của nước Mỹ » ? Ở hai bên bờ Đại Tây Dương, mọi người đều ý thức được rằng đằng sau vỏ bọc thân thiện bề ngoài, vẫn tồn tại nhiều cái gai trong quan hệ Washington-Bruxelles, ngay cả trong những chủ đề mà đôi bên tưởng chừng ăn ý với nhau.  

Ảnh minh họa: Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.
Ảnh minh họa: Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. AP – Jacquelyn Martin

Cách nay bốn năm, giới lãnh đạo châu Âu ngỡ ngàng khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vỗ tay hoan nghênh Brexit – sự kiện Luân Đôn rời mái nhà chung châu Âu – hay khi ông tuyên bố Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – khối NATO – đã « lỗi thời ». Giờ đây tại Bruxelles, cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu đang trải thảm đỏ chờ đón tổng thống Biden. Báo New York Times đánh giá : « chỉ cần Washington xem châu Âu là đồng minh, NATO là một mắt xích then chốt trong chiến lược an ninh » cũng đủ để trấn an Lục Địa Già.   

Không có chuyện tổng thống Biden bị các đồng minh gay gắt chất vấn, để rồi bỏ dở các cuộc họp với lãnh đạo của NATO và châu Âu. Cũng khó có thể hình dung ra cảnh một chính trị gia với gần 50 năm sự nghiệp như tổng thống Biden lại thay đổi ý kiến sau khi đã đồng ý về một bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị.   

Tuy nhiên chỉ cần đi sâu vào một số hồ sơ cũng thấy ngay là sẽ khó san bằng những khoảng cách giữa Washington với Bruxelles, ngay cả trên những chủ đề mà đôi bên chia sẻ quan điểm bởi đó chỉ là một sự « tâm đầu ý hợp bề ngoài ». 

Một cách cụ thể, NATO và Mỹ cùng muốn chấm dứt can thiệp tại Afghanistan, thế nhưng Bruxelles không quên rằng tổng thống Biden đã « nhanh chóng và  đơn phương » thông báo « đưa chiến binh Mỹ trở về nhà trước thời hạn 11 tháng 9 », sau hai thập niên can thiệp quân sự tại quốc gia Nam Á.  

Về xung khắc thương mại, chính quyền Biden cũng mới chỉ « tạm dừng » các đòn trừng phạt thuế nhập khẩu đánh vào một số mặt hàng của Liên Âu, nhưng đó vẫn là một vũ khí trong tay Hoa Kỳ để mặc cả khi cần, và cũng không loại trừ khả năng vì những mục tiêu chính trị nội bộ của nước Mỹ, Washington sẽ sử dụng loại vũ khí này để kiếm phiếu trước các mùa tranh cử.  

Trên bàn cờ địa chính trị, đành rằng tổng thống Hoa Kỳ thứ 46 chủ trương « tập hợp các nền dân chủ » trước những « mối đe dọa mới của thời đại » mà hai trong số đó là Nga và Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa là Âu- Mỹ hoàn toàn ăn khớp với nhau trong cách tiếp cận hai vấn đề « cồng kềnh » này.  

Với Trung Quốc chẳng hạn, Bruxelles một mặt đồng ý với những chỉ trích của Washington nhắm vào Bắc Kinh từ cạnh tranh bất bình đẳng đến vế nhân quyền, nhưng Liên Hiệp Châu Âu – dưới áp lực của Đức, bạn hàng số 1 trong Liên Âu của Bắc Kinh – vẫn ký hiệp định đầu tư toàn diện với Trung Quốc bất chấp phản đối của Mỹ. Châu Âu bằng mọi giá muốn tránh bị kẹt giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu trong bối cảnh mà nhiều nhà quan sát gọi là « Chiến Tranh Lạnh phiên bản mới ».  

Còn đối với nước Nga của ông Putin, Âu – Mỹ có chung tiếng nói khi cần bảo vệ nhà đối lập Alexei Navalny đang bị Matxcơva cầm tù. Đôi bên đồng thanh lên án những vụ tấn công tin học được cho là ít nhiều có sự hậu thuẫn của điện Kremlin hay cùng đứng về phía đối lập Belarus trong tầm ngắm của chính quyền Minsk và đằng sau làn sóng đàn áp đó có bóng dáng của nước Nga.   

Nhưng chỉ cần nhìn vào dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 cũng đủ thấy đối thoại Washington –Bruxelles sẽ không dễ: Một khi đường ống dẫn này đi vào hoạt động, Liên Âu sẽ mua thêm khí đốt của Nga mà lơ là với năng lượng của Mỹ. Chính quyền Biden muốn đấu dịu với Liên Âu trên hồ sơ này, thông báo tạm dừng ý định trừng phạt châu Âu bắt tay với Nga. Nhưng lập trường đó sẽ được duy trì trong bao lâu trước những quyền lợi của các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ ? Nhà Trắng không quên hạn bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu năm tới.    

Cuối cùng, giới phân tích tình hình chính trị trên Lục Địa Già đã khá ngạc nhiên khi thấy chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel phấn khởi hô to khẩu hiệu « Nước Mỹ đang trở lại » bởi không chắc điều đó có lợi cho Liên Âu.

Trong chiến lược đưa nước Mỹ trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ địa chính trị quốc tế, không chắc Washington đã dành cho Bruxelles một chỗ đứng xứng đáng. Một nhà bình luận trên tờ báo Mỹ Politico phân tích: Đương nhiên quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương nồng ấm hơn khi mà tổng thống Biden liên tục nhấn mạnh đến một sự « đoàn kết và liên đới » xuyên đại Tây Dương, luôn khẳng định nước Mỹ « sát cánh với NATO » … Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc mới là « nỗi ám ảnh » và « tâm điểm » trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Washington đã xác định rõ ràng: Trung Quốc mới là « mối thách thức toàn thế giới (…) cho thế hệ sắp tới ».   

Rõ ràng châu Âu chỉ là những đồng minh giúp Washington đối phó với Bắc Kinh, « là một trong những mắt xích trong liên minh chống Trung Quốc ». Nói cách khác, vẫn theo tờ báo này, trong chiến lược của Mỹ, châu Âu đã bị « đẩy xuống hàng thứ yếu ».

Liệu cả NATO lẫn Liên Hiệp Châu Âu có sẵn sàng nhận lấy vai diễn « hạng hai » đó hay không ?  Một nhà bình luận của Pháp, Pierre Haski khuyên thận trọng với « Người bạn Mỹ của châu Âu ».

Làm thế nào Đan Mạch trở thành “tai nghe ” của tình báo Mỹ tại châu Âu ?

0
Trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Fort Meade, Maryland.
Trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Fort Meade, Maryland. © Wikipedia

Ngày 30/05/2021, truyền thông Đan Mạch tiết lộ, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ NSA, với sự « tiếp tay » của tình báo Đan Mạch đã nghe lén nhiều lãnh đạo châu Âu trong suốt giai đoạn 2012-2014. Vụ việc cho thấy rõ vai trò hàng đầu của Đan Mạch trong hoạt động tình báo của Mỹ tại châu Âu, đồng thời làm lộ rõ sự phụ thuộc của châu lục già vào kỹ thuật và tài chính của Mỹ trên phương diện thu thập và xử lý thông tin.

Tham vọng nghe lén cả thế giới, kể cả các đồng minh của gián điệp mạng Mỹ (trinh sát kỹ thuật), chẳng có gì là mới lạ. Giới chuyên gia Pháp hẳn còn nhớ ông Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia (1977 – 1981) cho tổng thống Jimmy Carter từng nói rằng « Chúng ta phải nghe được các nước bạn bè, các đồng minh của chúng ta để biết chắc họ luôn là đồng minh của chúng ta ».

Cáp ngầm : « Mỏ vàng » để Đan Mạch mặc cả với Mỹ

Cách làm này của Washington đã có kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, và được điều chỉnh theo từng thời điểm phù hợp với tình hình thế giới. Bà Christine Dugoin-Clément, nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn CAPE nhắc lại :

« Hẳn mọi người vẫn còn nhớ PRISM (chương trình dọ thám điện tử), từng bị Snowden tố cáo. PRISM chỉ là một sự tiếp nối của chương trình xưa hơn có tên gọi là ECHELON có từ thời Chiến Tranh Lạnh. Rồi còn có một chương trình khác, chương trình hợp tác quốc tế gọi là RAMPART-A, mà mục đích sau cùng là hợp tác với các đối tác khác dựa trên cơ sở có đi có lại. Ý tưởng ở đây là nếu chúng tôi truy cập được một số nguồn dữ liệu, chuyển đi bằng cáp quang chẳng hạn, đổi lại chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị quyền sử dụng một số công cụ công nghệ cao cho phép xử lý những dữ liệu đó. » (ARTE ngày 01/06/2021)

Chính trong khuôn khổ chương trình hợp tác mới này mà vào năm 2005, lãnh đạo các cơ quan tình báo của 12 nước, trong đó có Pháp, đã tụ họp tại Amsterdam (Hà Lan) và thiết lập những điều khoản cho sự hợp tác. Vào thời điểm này, giai đoạn hậu 11/9, còn có một thách thức khác : Cuộc chiến chống khủng bố.

Thế nên, theo nhà báo Jacques Follorou, chuyên gia về các vấn đề tình báo, khó có thể cho rằng chính phủ Đan Mạch không hay biết gì về những hoạt động trên của Mỹ : « Về phương diện kỹ thuật, Hoa Kỳ có một bước tiến đáng kể và đề nghị với một số nước, bắt đầu từ Đức, Đan Mạch, nhưng cũng có cả Pháp nữa, là giao tận tay cho Mỹ chìa khóa các trung tâm chặn tìm thông tin và các phương tiện kỹ thuật. Những nước này, tùy theo chính sách về chủ quyền và ý muốn tự chủ sẽ nói chấp nhận hay không. Nước Đức đồng ý, Đan Mạch cũng vậy. Chỉ riêng nước Pháp là nói không vào năm 2006 chỉ vì những lý do chủ quyền quốc gia ». (Franceinfo ngày 31/05/2021)

Nhưng sự xích lại gần giữa quốc gia Bắc Âu này với Hoa Kỳ bắt đầu từ đầu những năm 1990. Vào thời điểm đó, Copenhague phát hiện ra rằng họ đang ngồi trên một « mỏ vàng » các dữ liệu tình báo : Đó chính là những cáp ngầm truyền tải các thông tin điện tử nối Hoa Kỳ với châu Âu, bắc ngang qua vùng biển của nước này.

Đặc biệt, theo giải thích của nhà nghiên cứu Camille Morel, tiến sĩ về Luật và cũng là nhà nghiên cứu cho Trung Tâm Nghiên Cứu Về An Ninh Quốc Tế và Quốc Phòng ở Lyon, trên đài France Culture, đáng chú ý nhất là đường cáp ngầm số 14, được đặt vào năm 2001 và nay đã bị rút đi. Đường cáp này nối Hoa Kỳ với Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp và Anh Quốc, hầu hết những nước có liên quan trong vụ tiết lộ mới đây.

Ảnh minh họa: Công trình rải 18 cáp điện thoại ngầm tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, năm 1952.
Ảnh minh họa: Công trình rải 18 cáp điện thoại ngầm tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, năm 1952. ASSOCIATED PRESS

Về điểm này, ông François Delerue, giảng viên trường Khoa học Chính trị Sciences Po, chuyên nghiên cứu về quản lý mạng, giải thích rõ thêm rằng không phải Mỹ đấu nối vào cáp ngầm của Đan Mạch. Trên thực tế, điểm đấu nối với cáp ngầm rớt ngay tại vùng Groenland, lãnh thổ lục địa châu Âu của Đan Mạch.

Ông giải thích : « Trong vụ việc này, chính cơ quan tình báo Đan Mạch đã bí mật đấu nối vào những cáp ngầm bắc ngang qua lãnh thổ nước này. Chính các cơ quan lập pháp và các cơ quan chức năng của Đan Mạch đã thực hiện điều đó. Khi nhìn thấy các dòng dữ liệu, họ tính đến việc có thể kiểm soát các siêu dữ liệu. Đó là những dữ liệu có thể cho biết nguồn đi và điểm đến, và nội dung có thể là gì, mà không nhất thiết phải biết chính xác cụ thể nội dung. Từ đó, Đan Mạch đã lưu trữ một số lượng lớn các thông tin tại một trung tâm dữ liệu riêng và họ đã cho phép Mỹ truy cập vào trung tâm thông tin này để nghiên cứu hay khai thác các nguồn siêu dữ liệu đó. » (ARTE ngày 01/06/2021)

Đan Mạch, đồng minh trung thành hơn cả Anh Quốc

Nhờ vào những nguồn dữ liệu dồi dào này mà Đan Mạch, có thể mặc cả với Hoa Kỳ. Vào cuối thập niên 2000, NSA đang tìm cách thiết lập một trung tâm phân tích dữ liệu tại Bắc Âu để xử lý những thông tin về châu Âu mà họ thu thập được. Trong dự án này, Cơ quan tình báo Đan Mạch – Forsvarets Efterretningstjeneste (FE) được cho là ứng viên sáng giá nhất.

Với sự trợ giúp của Mỹ, Cơ quan Tình báo Đan Mạch đã xây dựng một trung tâm xử lý dữ liệu to lớn trên đảo Amager, phía đông thủ đô Copenhague, cho phép cả hai cơ quan tình báo Mỹ và Đan Mạch khai thác tất cả các thông tin chặn được nhờ vào các công cụ giám sát điện tử từ các gián điệp mạng của Mỹ.

Cũng từ đó, Đan Mạch đi theo một chính sách ủng hộ quân sự với Washington, đồng thời đẩy Anh Quốc xuống hàng đồng minh hạng hai của Mỹ. Ông Flemming Splidsboel Hansen, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế, Viện Quan Hệ Quốc Tế Đan Mạch, giải thích với France 24 : « Đan Mạch chiến đấu bên cạnh Mỹ tại Libya, Syria, hay như ở Afghanistan. Ta có thể nói là Đan Mạch là một nước tham chiến và điều này đã kéo dài từ 30 năm qua. Đương nhiên, một sự hợp tác quân sự cũng đòi hỏi tăng cường trao đổi thông tin ».

Giờ đây, cùng với hiện tượng tan băng ở Bắc Cực, hơn bao giờ hết Washington cần đến đồng minh Bắc Âu này, có một vị trí chiến lược quan trọng – nằm bên bờ biển Bắc và không xa mấy Bắc Băng Dương. Và tầm quan trọng này có nguy cơ còn gia tăng trong những năm sắp tới. Trong tổng quan này, vị chuyên gia người Đan Mạch về quan hệ quốc tế nhận định mối quan hệ giữa NSA và FE sẽ còn được thắt chặt hơn nữa.

« Tôi cho rằng sự hợp tác giữa đôi bên sẽ còn được tăng cường hơn nữa do những thách thức xung quanh vùng Bắc Cực. Mối quan hệ hợp tác này giữa hai nước gián điệp đồng minh không chỉ có một chiều. Chúng cho phép Đan Mạch có được những thông tin của Mỹ với chất lượng còn tốt hơn từ Đức chẳng hạn. Và đó cũng là một cách để Copenhague có được một sự tín nhiệm chính trị ở Washington mà Liên Hiệp Châu Âu có lẽ sẽ không có được ».

Hoạt động Tình báo, Gián điệp : Thế bá quyền của Mỹ

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng Hoa Kỳ đã có sự lạm dụng trong quan hệ hợp tác với các đồng minh ? Tờ báo Đức Suddeustche Zeitung năm 2015 cho thấy dù nước Đức đã chấp nhận cho Mỹ lập một trung tâm chặn tìm thông tin và dọ thám nước Pháp, nhưng thủ tướng Angela Merkel vẫn bị nghe lén. Tương tự với Đan Mạch, giới truyền thông cũng đã phát hiện NSA nghe lén nhiều chính khách và các hãng công nghiệp của Đan Mạch.

Những tiết lộ của Snowden và từ truyền thông Đan Mạch chứng minh rằng « phần đổi lại » đã không được tuân thủ. Paris dù nhận thức được quy mô sự việc và phải giữ cảnh giác, nhưng cũng không thể nào quay lưng lại với đối tác gần gũi nhất trong Liên Hiệp Châu Âu. Ông Nicolas Arpagian, chuyên gia về an ninh mạng, trường Nghiên cứu về Chiến tranh Kinh tế đưa ra một nhận định : « Trong thế giới số hóa, khái niệm đồng minh là không hiện hữu ». (La Croix ngày 04/06/2021)

Logo biểu tượng của NSA (giữa): Hoa Kỳ vẫn trong thế bá quyền về hoạt động tình báo và gián điệp.
Logo biểu tượng của NSA (giữa): Hoa Kỳ vẫn trong thế bá quyền về hoạt động tình báo và gián điệp. AP – Patrick Semansky

Thực tế này sẽ còn thêm phần cay đắng, khi mà tốc độ số hóa ngày càng nhanh, các cuộc chiến kinh tế, thương mại, chính trị, chiến tranh gây ảnh hưởng… ngày càng nhiều. Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ cũng sẽ không ngừng dọ thám các đồng minh, chí ít cũng vì hai lợi ích địa chính trị, như phân tích của bà Christine Dugoin-Clément :

« Hiện tại khi người ta nghe lén, điều đó không chỉ cho phép biết được về các bằng sáng chế của đối thủ cạnh tranh, hiểu được những nghiên cứu và phát triển đang diễn ra, để có thể mà khẳng định vị thế trong những mặt trận đó.

Điều quan trọng ở đây là cách thực hiện vẫn là theo kiểu cổ điển. Hẳn quý vị còn nhớ vụ nghe lén các thành viên trong chính phủ Pháp vào thời điểm họ đang thương lượng cho một hợp đồng bán vũ khí quân sự.

Bởi vì những thị trường này có hai lợi ích địa chính trị. Thứ nhất, quý vị sẽ biết được là số vũ khí đó sẽ được bán cho ai, chúng được sử dụng trong hoàn cảnh nào ? Ở đây tôi chỉ nói đến dưới góc độ quan hệ quốc tế với một cách tiếp cận hòa bình.

Lợi ích thứ hai là bán càng được nhiều công nghệ cao, quý vị càng có trong tay nhiều phương tiện. Ở cấp độ Nhà nước, quý vị sẽ giữ được quyền tự chủ công nghệ, hạn chế được tình trạng phục tùng vào một cơ cấu nào đó, đồng thời bảo đảm cho mình một vị thế của riêng mình cũng như là khả năng phô trương thế mạnh ra bên ngoài. »

Chỉ có điều trong lĩnh vực tình báo, gián điệp, nước Mỹ gần như trong thế bá quyền mà họ không có ý định từ bỏ. Khả năng kỹ thuật và tài chính của Mỹ vượt trội hơn các nước châu Âu, buộc khu vực này vẫn phải lệ thuộc nhiều vào các cơ quan tình báo của Mỹ với một thế thống trị mà không một nước nào có thể bỏ qua. Châu Âu có những phương tiện nhưng lại bị hạn chế quá mức, nhất là ở các phần mềm xử lý thông tin.

Ông Antoine Lefébure lấy làm tiếc rằng nước Pháp quá lệ thuộc vào hệ thống giám sát của Mỹ. Hơn bao giờ hết Pháp cũng cần đến các thông tin từ Mỹ, nhất là tại châu Phi, tại những vùng chiến sự nóng bỏng như Sahel.