Làm thế nào Đan Mạch trở thành “tai nghe ” của tình báo Mỹ tại châu Âu ?

0
3
Trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Fort Meade, Maryland.
Trụ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Fort Meade, Maryland. © Wikipedia

Ngày 30/05/2021, truyền thông Đan Mạch tiết lộ, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ NSA, với sự « tiếp tay » của tình báo Đan Mạch đã nghe lén nhiều lãnh đạo châu Âu trong suốt giai đoạn 2012-2014. Vụ việc cho thấy rõ vai trò hàng đầu của Đan Mạch trong hoạt động tình báo của Mỹ tại châu Âu, đồng thời làm lộ rõ sự phụ thuộc của châu lục già vào kỹ thuật và tài chính của Mỹ trên phương diện thu thập và xử lý thông tin.

Tham vọng nghe lén cả thế giới, kể cả các đồng minh của gián điệp mạng Mỹ (trinh sát kỹ thuật), chẳng có gì là mới lạ. Giới chuyên gia Pháp hẳn còn nhớ ông Brzezinski, cố vấn an ninh quốc gia (1977 – 1981) cho tổng thống Jimmy Carter từng nói rằng « Chúng ta phải nghe được các nước bạn bè, các đồng minh của chúng ta để biết chắc họ luôn là đồng minh của chúng ta ».

Cáp ngầm : « Mỏ vàng » để Đan Mạch mặc cả với Mỹ

Cách làm này của Washington đã có kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, và được điều chỉnh theo từng thời điểm phù hợp với tình hình thế giới. Bà Christine Dugoin-Clément, nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn CAPE nhắc lại :

« Hẳn mọi người vẫn còn nhớ PRISM (chương trình dọ thám điện tử), từng bị Snowden tố cáo. PRISM chỉ là một sự tiếp nối của chương trình xưa hơn có tên gọi là ECHELON có từ thời Chiến Tranh Lạnh. Rồi còn có một chương trình khác, chương trình hợp tác quốc tế gọi là RAMPART-A, mà mục đích sau cùng là hợp tác với các đối tác khác dựa trên cơ sở có đi có lại. Ý tưởng ở đây là nếu chúng tôi truy cập được một số nguồn dữ liệu, chuyển đi bằng cáp quang chẳng hạn, đổi lại chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị quyền sử dụng một số công cụ công nghệ cao cho phép xử lý những dữ liệu đó. » (ARTE ngày 01/06/2021)

Chính trong khuôn khổ chương trình hợp tác mới này mà vào năm 2005, lãnh đạo các cơ quan tình báo của 12 nước, trong đó có Pháp, đã tụ họp tại Amsterdam (Hà Lan) và thiết lập những điều khoản cho sự hợp tác. Vào thời điểm này, giai đoạn hậu 11/9, còn có một thách thức khác : Cuộc chiến chống khủng bố.

Thế nên, theo nhà báo Jacques Follorou, chuyên gia về các vấn đề tình báo, khó có thể cho rằng chính phủ Đan Mạch không hay biết gì về những hoạt động trên của Mỹ : « Về phương diện kỹ thuật, Hoa Kỳ có một bước tiến đáng kể và đề nghị với một số nước, bắt đầu từ Đức, Đan Mạch, nhưng cũng có cả Pháp nữa, là giao tận tay cho Mỹ chìa khóa các trung tâm chặn tìm thông tin và các phương tiện kỹ thuật. Những nước này, tùy theo chính sách về chủ quyền và ý muốn tự chủ sẽ nói chấp nhận hay không. Nước Đức đồng ý, Đan Mạch cũng vậy. Chỉ riêng nước Pháp là nói không vào năm 2006 chỉ vì những lý do chủ quyền quốc gia ». (Franceinfo ngày 31/05/2021)

Nhưng sự xích lại gần giữa quốc gia Bắc Âu này với Hoa Kỳ bắt đầu từ đầu những năm 1990. Vào thời điểm đó, Copenhague phát hiện ra rằng họ đang ngồi trên một « mỏ vàng » các dữ liệu tình báo : Đó chính là những cáp ngầm truyền tải các thông tin điện tử nối Hoa Kỳ với châu Âu, bắc ngang qua vùng biển của nước này.

Đặc biệt, theo giải thích của nhà nghiên cứu Camille Morel, tiến sĩ về Luật và cũng là nhà nghiên cứu cho Trung Tâm Nghiên Cứu Về An Ninh Quốc Tế và Quốc Phòng ở Lyon, trên đài France Culture, đáng chú ý nhất là đường cáp ngầm số 14, được đặt vào năm 2001 và nay đã bị rút đi. Đường cáp này nối Hoa Kỳ với Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp và Anh Quốc, hầu hết những nước có liên quan trong vụ tiết lộ mới đây.

Ảnh minh họa: Công trình rải 18 cáp điện thoại ngầm tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, năm 1952.
Ảnh minh họa: Công trình rải 18 cáp điện thoại ngầm tại Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, năm 1952. ASSOCIATED PRESS

Về điểm này, ông François Delerue, giảng viên trường Khoa học Chính trị Sciences Po, chuyên nghiên cứu về quản lý mạng, giải thích rõ thêm rằng không phải Mỹ đấu nối vào cáp ngầm của Đan Mạch. Trên thực tế, điểm đấu nối với cáp ngầm rớt ngay tại vùng Groenland, lãnh thổ lục địa châu Âu của Đan Mạch.

Ông giải thích : « Trong vụ việc này, chính cơ quan tình báo Đan Mạch đã bí mật đấu nối vào những cáp ngầm bắc ngang qua lãnh thổ nước này. Chính các cơ quan lập pháp và các cơ quan chức năng của Đan Mạch đã thực hiện điều đó. Khi nhìn thấy các dòng dữ liệu, họ tính đến việc có thể kiểm soát các siêu dữ liệu. Đó là những dữ liệu có thể cho biết nguồn đi và điểm đến, và nội dung có thể là gì, mà không nhất thiết phải biết chính xác cụ thể nội dung. Từ đó, Đan Mạch đã lưu trữ một số lượng lớn các thông tin tại một trung tâm dữ liệu riêng và họ đã cho phép Mỹ truy cập vào trung tâm thông tin này để nghiên cứu hay khai thác các nguồn siêu dữ liệu đó. » (ARTE ngày 01/06/2021)

Đan Mạch, đồng minh trung thành hơn cả Anh Quốc

Nhờ vào những nguồn dữ liệu dồi dào này mà Đan Mạch, có thể mặc cả với Hoa Kỳ. Vào cuối thập niên 2000, NSA đang tìm cách thiết lập một trung tâm phân tích dữ liệu tại Bắc Âu để xử lý những thông tin về châu Âu mà họ thu thập được. Trong dự án này, Cơ quan tình báo Đan Mạch – Forsvarets Efterretningstjeneste (FE) được cho là ứng viên sáng giá nhất.

Với sự trợ giúp của Mỹ, Cơ quan Tình báo Đan Mạch đã xây dựng một trung tâm xử lý dữ liệu to lớn trên đảo Amager, phía đông thủ đô Copenhague, cho phép cả hai cơ quan tình báo Mỹ và Đan Mạch khai thác tất cả các thông tin chặn được nhờ vào các công cụ giám sát điện tử từ các gián điệp mạng của Mỹ.

Cũng từ đó, Đan Mạch đi theo một chính sách ủng hộ quân sự với Washington, đồng thời đẩy Anh Quốc xuống hàng đồng minh hạng hai của Mỹ. Ông Flemming Splidsboel Hansen, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế, Viện Quan Hệ Quốc Tế Đan Mạch, giải thích với France 24 : « Đan Mạch chiến đấu bên cạnh Mỹ tại Libya, Syria, hay như ở Afghanistan. Ta có thể nói là Đan Mạch là một nước tham chiến và điều này đã kéo dài từ 30 năm qua. Đương nhiên, một sự hợp tác quân sự cũng đòi hỏi tăng cường trao đổi thông tin ».

Giờ đây, cùng với hiện tượng tan băng ở Bắc Cực, hơn bao giờ hết Washington cần đến đồng minh Bắc Âu này, có một vị trí chiến lược quan trọng – nằm bên bờ biển Bắc và không xa mấy Bắc Băng Dương. Và tầm quan trọng này có nguy cơ còn gia tăng trong những năm sắp tới. Trong tổng quan này, vị chuyên gia người Đan Mạch về quan hệ quốc tế nhận định mối quan hệ giữa NSA và FE sẽ còn được thắt chặt hơn nữa.

« Tôi cho rằng sự hợp tác giữa đôi bên sẽ còn được tăng cường hơn nữa do những thách thức xung quanh vùng Bắc Cực. Mối quan hệ hợp tác này giữa hai nước gián điệp đồng minh không chỉ có một chiều. Chúng cho phép Đan Mạch có được những thông tin của Mỹ với chất lượng còn tốt hơn từ Đức chẳng hạn. Và đó cũng là một cách để Copenhague có được một sự tín nhiệm chính trị ở Washington mà Liên Hiệp Châu Âu có lẽ sẽ không có được ».

Hoạt động Tình báo, Gián điệp : Thế bá quyền của Mỹ

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng Hoa Kỳ đã có sự lạm dụng trong quan hệ hợp tác với các đồng minh ? Tờ báo Đức Suddeustche Zeitung năm 2015 cho thấy dù nước Đức đã chấp nhận cho Mỹ lập một trung tâm chặn tìm thông tin và dọ thám nước Pháp, nhưng thủ tướng Angela Merkel vẫn bị nghe lén. Tương tự với Đan Mạch, giới truyền thông cũng đã phát hiện NSA nghe lén nhiều chính khách và các hãng công nghiệp của Đan Mạch.

Những tiết lộ của Snowden và từ truyền thông Đan Mạch chứng minh rằng « phần đổi lại » đã không được tuân thủ. Paris dù nhận thức được quy mô sự việc và phải giữ cảnh giác, nhưng cũng không thể nào quay lưng lại với đối tác gần gũi nhất trong Liên Hiệp Châu Âu. Ông Nicolas Arpagian, chuyên gia về an ninh mạng, trường Nghiên cứu về Chiến tranh Kinh tế đưa ra một nhận định : « Trong thế giới số hóa, khái niệm đồng minh là không hiện hữu ». (La Croix ngày 04/06/2021)

Logo biểu tượng của NSA (giữa): Hoa Kỳ vẫn trong thế bá quyền về hoạt động tình báo và gián điệp.
Logo biểu tượng của NSA (giữa): Hoa Kỳ vẫn trong thế bá quyền về hoạt động tình báo và gián điệp. AP – Patrick Semansky

Thực tế này sẽ còn thêm phần cay đắng, khi mà tốc độ số hóa ngày càng nhanh, các cuộc chiến kinh tế, thương mại, chính trị, chiến tranh gây ảnh hưởng… ngày càng nhiều. Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ cũng sẽ không ngừng dọ thám các đồng minh, chí ít cũng vì hai lợi ích địa chính trị, như phân tích của bà Christine Dugoin-Clément :

« Hiện tại khi người ta nghe lén, điều đó không chỉ cho phép biết được về các bằng sáng chế của đối thủ cạnh tranh, hiểu được những nghiên cứu và phát triển đang diễn ra, để có thể mà khẳng định vị thế trong những mặt trận đó.

Điều quan trọng ở đây là cách thực hiện vẫn là theo kiểu cổ điển. Hẳn quý vị còn nhớ vụ nghe lén các thành viên trong chính phủ Pháp vào thời điểm họ đang thương lượng cho một hợp đồng bán vũ khí quân sự.

Bởi vì những thị trường này có hai lợi ích địa chính trị. Thứ nhất, quý vị sẽ biết được là số vũ khí đó sẽ được bán cho ai, chúng được sử dụng trong hoàn cảnh nào ? Ở đây tôi chỉ nói đến dưới góc độ quan hệ quốc tế với một cách tiếp cận hòa bình.

Lợi ích thứ hai là bán càng được nhiều công nghệ cao, quý vị càng có trong tay nhiều phương tiện. Ở cấp độ Nhà nước, quý vị sẽ giữ được quyền tự chủ công nghệ, hạn chế được tình trạng phục tùng vào một cơ cấu nào đó, đồng thời bảo đảm cho mình một vị thế của riêng mình cũng như là khả năng phô trương thế mạnh ra bên ngoài. »

Chỉ có điều trong lĩnh vực tình báo, gián điệp, nước Mỹ gần như trong thế bá quyền mà họ không có ý định từ bỏ. Khả năng kỹ thuật và tài chính của Mỹ vượt trội hơn các nước châu Âu, buộc khu vực này vẫn phải lệ thuộc nhiều vào các cơ quan tình báo của Mỹ với một thế thống trị mà không một nước nào có thể bỏ qua. Châu Âu có những phương tiện nhưng lại bị hạn chế quá mức, nhất là ở các phần mềm xử lý thông tin.

Ông Antoine Lefébure lấy làm tiếc rằng nước Pháp quá lệ thuộc vào hệ thống giám sát của Mỹ. Hơn bao giờ hết Pháp cũng cần đến các thông tin từ Mỹ, nhất là tại châu Phi, tại những vùng chiến sự nóng bỏng như Sahel.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here